Có thể nói Nhật Bản là đất nước chịu nhiều tổn hại nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai với việc hứng chịu hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Tuy nhiên, đây cũng là đất nước hồi phục với tốc độ đáng kinh ngạc nhất. Hãy cùng xem Nhật Bản đã hồi phục như thế nào và Việt Nam có thể học tập những gì từ sự phát triển kinh tế của Nhật Bản nhé.
Sự phát triển kinh tế Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ 2
Nhờ khả năng học hỏi, tiếp thu và sáng tạo, cùng với tính kỷ luật đã trở thành biểu tượng mà Nhật Bản đã có thể khôi phục nền kinh tế chỉ trong một thời gian ngắn.
Dù là nước thua cuộc trong chiến tranh, nhưng trong khoảng 20 năm sau chiến tranh (1951 – 1973), nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển một cách chóng mặt để vươn lên trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới. Nếu năm 1950, tổng giá trị sản phẩm của Nhật Bản đã đạt tới 20 tỷ Đô-la, và tới năm 1973, con số này đã tăng lên gấp 20 lần, lên tới 402 tỷ Đô-la, vượt qua cả các quốc gia tư bản lớn như Anh, Pháp hay CHLB Đức.
Các ngành công nghiệp được phát triển với tốc độ nhanh. Đặc biệt là với các ngành chế biến dầu thô, sản xuất thép, ô tô, đóng tàu. Đặc biệt là ngành ô tô, được xem như một trong những ngành công nghiệp đáng tự hào nhất của đất nước mặt trời mọc. Năm 1960, ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản chỉ xếp thứ 6 trên thế giới, nhưng tới năm 1967 đã vươn lên thứ 2 chỉ xếp sau Mỹ.
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đã khiến cơ cấu các ngành bị thay đổi. Tỷ trọng các ngành nông-lâm-ngư nghiệp giảm một cách đáng kể. Thay vào đó là sự tăng trưởng của khối ngành công nghiệp, dịch vụ.
Vậy với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc như vậy, Việt Nam có thể học tập những gì từ sự phát triển kinh tế của Nhật Bản?
Việt Nam có thể học tập những gì từ sự phát triển kinh tế của Nhật Bản?
Xét về Nhật Bản, yếu tố quan trọng nhất để đem tới sự phát triển này đó chính là con người. Người Nhật ngoài sự cần cù, khả năng sáng tạo, họ còn có một tinh thần kỷ luật thép, một hệ thống tổ chức quản lý hiệu quả. Đối với họ, con người là yếu tố quyết định mọi sự thành công hay thất bại.
Ngoài ra, Nhật Bản còn chú trọng đầu tư cho khoa học, kĩ thuật. Họ sẵn sàng đầu tư để giáo dục, đào tạo, thậm chí là mua bằng sáng chế phát minh để có thể làm chủ được công nghệ đó.
Từ những điều nói đến ở trên, có thể rút ra bài học cho Việt Nam đó là chúng ta cần chú trọng đầu tư hơn cho con người thông qua việc giáo dục, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện các công nghệ, kĩ thuật. Bởi khoản đầu tư vào con người luôn là một khoản đầu tư sinh lời. Chất lượng của nguồn nhân lực sẽ tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển về mọi mặt của một quốc gia, đặc biệt là về kinh tế.
Kết luận
Mong rằng bài viết trên đã cung cấp thêm thông tin cho bạn về tốc độ phát triển kinh tế của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và từ đó trả lời câu hỏi Việt Nam có thể học tập những gì từ sự phát triển kinh tế của Nhật Bản.